U Tủy Tế Bào Khổng Lồ Vùng Cột Sống

U TẾ BÀO KHỔNG LỒ VÙNG CỘT SỐNG, DẤU HIỆU NHẬN BIẾT VÀ CÁC PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ.

Đại cương:

U tế bào khổng lồ (giant cell tumor, GCT) của xương, còn gọi là u đại bào, là một dạng u xương lành tính, thường gặp ở đầu xương dài ở người lớn trẻ tuổi khi xương đã trưởng thành và sụn tiếp hợp ở vùng đầu xương đã cốt hóa.

U xương tế bào khổng lồ chiếm 5-10% các khối u xương nguyên phát và chiếm khoảng 20% các u xương lành tính. Đây là loại u xương thường gặp nhất ở người trẻ trong độ tuổi 25-40, đặc biệt là ở thập niên 30, tỷ lệ nữ mắc bệnh gấp khoảng 1,3-1,5 lần so với nam giới.

Các vị trí thường gặp nhất theo thứ tự là đầu dưới xương đùi, đầu trên xương chày, đầu dưới xương quay và xương cùng. Khoảng 50% u tế bào khổng lồ xuất hiện ở xương vùng quanh khớp gối. Một số vị trí cũng thường gặp khác gồm đầu xương mác, đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay. Đa phần chỉ gặp ở một ví trí, rất hiếm găp u tế bào khổng lồ đa ổ.

Trong đó, u tế bào khổng lồ tại vùng cột sống là khá hiếm gặp chỉ chiếm 3,9% (Dahlin 1985) so với các vùng khác trên cơ thể. Trên cột sống, chủ yếu là gặp u ở vùng cùng cụt với tỷ lệ dao động từ 40 đến 50%. Chủ yếu gặp ở 1 đốt sống.

Tuy nhiên, khi khối u phát triển trên cột sống gây ra những hậu quả hết sức nặng nề. Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và việc làm của người bệnh. Bệnh tiến triển nặng có thể khiến bệnh nhân nằm tại giường, cho đến tử vong.

Chấn đoán:

Dựa vào triệu chứng lâm sàng, hình ảnh học và có giải phẫu bệnh để chẩn đoán xác định.

Triệu chứng lâm sàng:

Dựa vào triệu chứng lâm sàng ta có thể ban đầu nghĩ đến vị trí khối u tại vùng nào của cột sống.

Triệu chứng sớm là đau tại vùng của cột sống thắt lưng, đau ngày càng tăng dần. Dùng thuốc giảm đau nhưng không đỡ. Đau tại vùng cột sống là triệu chứng luôn đi cùng bệnh nhân từ khi bệnh nhân khởi phát đến giai đoạn muộn.

Giai đoạn sau bắt đầu có sự phát triển và chèn ép tủy sống cũng như các rễ. Các triệu chứng xuất hiện theo vị trí:

+ Khối u vùng cổ: đau tê vùng cổ, lan theo mặt trước ngoài của cánh tay. Có thể 1 hoặc 2 tay. Giai đoạn muộn khối u chèn vào tủy sống nhiều có thể gây yếu, liệt tứ chi.

+ Khối u vùng lưng và thắt lưng: đau rối loạn cảm giác theo các khoanh tủy, các rễ chi phối. Tê quanh vùng ngực bụng, đau từ thắt lưng lan xuống mặt ngoài cẳng bàn chân. Giai đoạn sau bệnh nhân xuất hiện yếu 1 hoặc 2 chi dưới, kèm theo teo cơ vùng này.

+ Khối u vùng cùng cụt: khi khối u đủ lớn chèn ép vào vùng này gây ra hội chứng đuôi ngựa. Tê bì quanh vùng sinh dục hậu môn, rối loạn cơ tròn, chức năng sinh dục.

XQ cột sống: hình ảnh phá hủy thân đốt sống, kèm theo lún xẹp đốt sống .

tieu D12

Hình ảnh hủy thân đốt D12 trên XQ nghiêng do UTBKL

CT scanner cột sống: ngoài hình ảnh hủy thân, có thể đánh giá thêm sự hủy của diện khớp bên, cuống sống và gai sau.

 

Hình ảnh hủy thân đốt trên cắt lớp vi tính do UTBKL

MRI: đánh giá sự xâm lấn của khối u vào đĩa đệm, hệ thống các dây chằng. U có lan ra ngoài lỗ liên hợp vào vùng cổ, lồng ngực hoặc ổ bụng hay không.

MRI ngang.

MRI: Hình ảnh hủy thân đốt sống trên T2 do UTBKL

Chẩn đoán xác định:

Đây là chẩn đoán tối quan trọng, để xác định chiến lược cũng như các phương pháp điều trị u.

Mô bệnh học là tiêu chuẩn vàng. Sinh thiết u bằng kim dưới định vị của siêu âm, cắt lớp vi tính hoặc C-arm

Lưu ý: rất dễ nhầm u tế bảo khổng lồ với nang xương phình mạch đặc biệt ở vùng cột sống bản lề lưng thắt lưng.

Điều trị:

Điều trị u tế bào khổng lồ cột sống là một vấn đề nan giải và thách thức to lớn đối với các nhà điều trị cột sống bởi nhưng lý do sau:

+ Bệnh nhân thường phát hiện khi khối u đã quá to, xâm lấn và phá hủy cấu trúc xung quanh nhiều.

+ Tính chất của UTBKL: thường tái phát tại chỗ rất nhanh, khối u thường phá hủy mặt trước thân đốt sống. Do đó sự tiếp cận vào u là rất khó khăn

Trên thế giới đã áp dụng các phương pháp điều trị:

+ Thuyên tắc động mạch nuôi u (Artery embolization)

+ Phẫu thuật

+ Xạ trị

+ Làm lạnh tiêu diệt u (Cryotheraphy)

Tuy nhiên để điều trị khối u có hiệu quả nhất, thường có sự phối hợp các phương pháp khác nhau:

Thuyên tắc mạch khối u:

Nút mạch:

Hình ảnh về nút mạch.

Bệnh nhân được chỉ định chụp mạch số hóa xóa nền DSA. Sau đó xác định được các mạch nuôi chính. Tiến hành làm tắc mạch nuôi u. Cuối cùng chụp lại để kiểm tra khối u.

Phẫu thuật:

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để, có thể lấy bỏ được hết khối u. Quan trọng hơn nữa, chỉ có phẫu thuật mới có thể làm vững của cột sống. Nếu chỉ có tiêu diệt hoặc lấy hết khối u, sau này bệnh nhân vẫn chịu những hậu quả của u phá hủy gây ra.

Phẫu thuật giúp bệnh nhân có thể đi lại sớm và nâng cao hơn chất lượng cuộc sống của bệnh nhân

Về phương pháp phẫu thuật

+ 1993 Inci, Akbay, Bertan đã phẫu thuật 1 trường hợp UTBKL phá hủy thân đốt L5 bằng phương pháp mở cung sau giải ép rễ và 1 phần u.

+ Từ năm 1992 đến năm 2002 Shih – Chueng Yang đã phẫu thuật 11 trường hợp UTBKL cột sống. Trong đó có sử dụng nẹp vis cố định.

+ 2009 Soltani và cộng sự sử dụng phương pháp đi đường bên cố định cuống, lấy bỏ toàn bộ thân đốt L3, đặt lồng titan thay thân đốt sống.

 

 

Hình ảnh thân đốt sống nhân tạo trong chụp sau mổ

Xạ trị:

Xạ trị có thể tiến hành 1 bên hoặc 2 bên của cột sống. Có thể dùng riêng lẻ hoặc xạ trị bổ trợ sau mổ nhằm hạn chế sự tái phát của u

Thông thường biện pháp xạ trị là xạ trị gia tốc khu trú vào vùng có khối u.

Điều trị phối hợp các phương pháp:

Từ năm 1995 đến năm 2009 Min Zhoung và cộng sự đã tiến hành phối hợp nút mạch u, sau đó tiến hành phẫu thuật cắt toàn bộ u và cố định cột sống. Kết quả thu được hết sức khả quan.

Năm 2008 Christopher Martin và cộng sự đã báo cáo điều trị thành công 23 trường hợp UTBKL cột sống. Trong đó có 18 bệnh nhân được điều trị bằng phẫu thuật có phối hợp với nút mạch hoặc xạ trị. Trong đó có 4 bệnh nhân được phối hợp bằng cả 3 phương pháp.

Kết luận:

U tế bào khổng lồ cột sống là loại u lành tính, có sự tái phát nhanh và gây nhiều hậu quả nặng nề cho bệnh nhân.

Về điều trị hiện nay phẫu thuật vẫn là phương pháp triệt để nhất. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc phối hợp các phương pháp khác.

Tài liệu tham khảo:

Luther N, Bilsky MH and Härtl R: Giant cell tumor of the spine. Neurosurg Clin N Am 19: 49-55, 2008.

Unni KK: Giant cell tumor (Osteoclastoma). In: Dahlin’s Bone Tumors: General Aspects and Data on 11,087 Cases. 5th edition. Lippincott Williams & Wilikins, Philadelphia, PA, pp263-283, 1996.

Turcotte RE, Sim FH and Unni KK: Giant cell tumor of the sacrum. Clin Orthop Relat Res 291: 215-221, 1993.

Sanjay BK, Sim FH, Unni KK, Mcleod RA and Klassen RA: Giant-cell tumours of the spine. J Bone Joint Surg Br 75: 148-154, 1993.

Hosalkar HS, Jones KJ, King JJ and Lackman RD: Serial arterial embolization for large sacral giant-cell tumors: mid- to long-term results. Spine (Phila Pa 1976) 32: 1107-1115, 2007.

Guzman R, Dubach-Schwizer S, Heini P, Lovblad KO, Kalbermatten D, Schroth G, et al. Preoperative transarterial embolization of vertebral metastases. Eur Spine J. 2005;14:263–8.

Mendenhall WM, Zlotecki rA, scarborough Mt, Gibbs cp, Mendenhall np. Giant cell tumor of bone. Am J Clin Oncol. 2006;29:96-99.

  1. Cooper AS, Travers B. Surgical essays. London, England: Cox Longman & Co, 1818; 178–179.
  2. Balke M, Schremper L, Gebert C, et al. Giant cell tumor of bone: treatment and outcome of 214 cases. J Cancer Res Clin Oncol 2008;134(9):969–978.

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *