Bệnh Lún xẹp đốt sống : nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Một trong những vấn đề khiến người bệnh lo lắng đó là lún xẹp đốt sống. Cùng Bác Sỹ Nguyễn Vũ – Chuyên khoa Cột Sống & Thần kinh – BV ĐH Y Hà Nội tìm hiểu chi tiết về bệnh để có những thông tin cần thiết về nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh lún xẹp đốt sống một cách hiệu quả.

lún xẹp đốt sống

 

Lún xẹp đốt sống là gì?

Lún xẹp đốt sống là bệnh lý xảy ra khi đĩa cột sống bị mất nước và mất đi độ dẻo dai dẫn đến xẹp lún gây tổn thương vùng cột sống và tạo những cơn đau kéo dài cho người bệnh. Lún xẹp đốt sống sống làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe cũng như khả năng vận động của người bệnh.

Lún xẹp đốt sống thường gặp nhất ở những đối tượng bị loãng xương, khoảng 8000 người mỗi năm trên thế giới bị ảnh hưởng bơi căn bệnh này. Tại Mỹ, 25% phụ nữ sau mãn kinh bị lún xẹp đốt sống. Tỉ lệ mắc lún xẹp đốt sống tăng dần theo tuổi, ảnh hưởng 40% phụ nữ từ 80 tuổi trở lên mắc căn bệnh này. Mặc dù bệnh xương khớp này phổ biến ở phụ nữ, tuy nhiên không phải nam giới không mắc phải, dù là ở nam hay nữ thì đều phải được quan tâm và điều trị kịp thời.

Chuyên gia đã cảnh báo những người đã từng bị lún xẹp đốt sống do loãng xương sẽ có nguy cơ bị lún xẹp lần thứ hai cao hơn so với người chưa từng mắc gấp năm lần. Đôi khi lún xẹp đốt sống không gây triệu chứng hoặc triệu chứng ít, tuy nhiên nguy cơ lún xẹp đốt sống sau vẫn có thể xảy ra.

Nguyên nhân gây lún xẹp đốt sống?

Lún xẹp đốt sống xảy ra khi khối xương hoặc thân đốt sống bị xẹp, gây ra những cơn đau dữ dội, biến dạng và mất chiều cao đốt sống. Thông thường, loại gãy này xảy ra ở phần ngực thấp và đốt sống thắt lưng. Loãng xương là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nên tình trạng lún xẹp đốt sống, nhưng cũng có thể do chấn thương hoặc ung thư di căn.

Những người có cột sống khỏe mạnh bị lún xẹp đốt sống thường do chấn thương nghiêm trọng như tai nạn xe hơi, chấn thương thể thao,… Ở những người bị loãng xương mức độ trung bình, lún xẹp đốt sống thường do tác động lực hoặc chấn thương như té ngã hoặc nâng một vật nặng. Ở những người bị loãng xương nặng, các hoạt động hàng ngày như bước ra khỏi bồn tắm, hắt hơi mạnh, nâng vật nhẹ… có thể dẫn đến tình trạng lún xẹp đốt sống. 

Nguyên nhân lún xẹp đốt sống do ung thư di căn thường gặp ở những người bệnh dưới 55 tuổi, không có tiền sử chấn thương hay chỉ chấn thương nhẹ. Thêm vào đó, xương cột sống là vị trí mà nhiều loại ung thư thường di căn tới. Chính vì thế mà ung thư có thể làm phá hủy một phần cột sống, làm yếu xương, thậm chí làm lún xẹp đốt sống.

 

Triệu chứng thường gặp của bệnh lún xẹp đốt sống

Biểu hiện rõ rệt nhất của bệnh lún xẹp đốt sống đó là cảm giác đau khi vận động. Lún xẹp đốt sống có thể gây ra các triệu chứng dưới đây:

  • Đột ngột đau lưng.
  • Cơn đau tăng lên khi đứng hoặc đi lại, khiến cho bệnh nhân gặp nhiều đau đớn.
  • Khi cử động cột sống sẽ khiến người bệnh bị đau, vì vậy hạn chế việc cử động cột sống. 
  • Cơn đau sẽ dịu xuống khi bạn nằm xuống, giảm đau khi nằm ngửa.
  • Có thể làm giảm chiều cao nguời bệnh khi bị lún xẹp đốt sống
  • Lún xẹp đốt sống có thể làm biến dạng cột sống và gây tàn tật.
  • Có thể giảm chiều cao của người mắc bệnh

Đối tượng nguy cơ bệnh lún xẹp đốt sống

Bất kì ai cũng có nguy cơ mắc căn bệnh lún xẹp đốt sống này. Tuy nhiên, có một số đối tượng có nguy cơ mắc cao hơn như:

  • Phụ nữ mãn kinh thường rất dễ bị loãng xương nên có nguy cơ loãng xương tiến triển nhanh hơn tạo nên lún xẹp đốt sống
  • Những người có tiền sử mắc bệnh loãng xương thứ phát kèm với phát triển thể chất kém, còi xương, suy dinh dưỡng
  • Những người có gia đình, người thân bị loãng xương cũng có khả năng mắc bệnh cao hơn
  • Những người ít vận động, hoạt động ngoài trời
  • Những người sử dụng các chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá
  • Các bệnh nhân mắc các bệnh lý như thiểu năng tuyến sinh dục ở nam và suy buồng trứng sớm ở nữ, mãn kinh sớm, thiểu năng tinh hoàn hay phụ nữ từng cắt buồng trứng,…
  • Những người mắc các bệnh nội tiết như cường tuyến giáp, cường tuyến cận giáp, đã từng phải chạy thận lâu ngày,…hay mắc những bệnh lý về xương khớp: thoái hóa khớp, viêm khớp,…

Những đối tượng này cần phải chú ý đến sức khỏe và hệ xương của mình để phòng ngừa căn bệnh lún xẹp đốt sống.

Lún xẹp đốt sống lưng có nguy hiểm không?

Tình trạng lún xẹp đốt sống lưng thường xảy ra ở những người lao động nặng hoặc những người cao tuổi. Nguyên nhân chủ yếu nhất gây nên căn bệnh này là tính chất công việc, tuổi tác, chấn thương, tai nạn, thừa cân – béo phì. Vậy căn bệnh này có thực sự nguy hiểm?

Căn bệnh lún xẹp đốt sống có nguy hiểm hay không phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Nếu phát hiện sớm và điều trị ngay bởi các phương pháp phù hợp thì dường như nó không hề nguy hiểm và ảnh hưởng gì. Tuy nhiên, nếu để tình trạng nặng, kéo dài trong thời gian dài, không được điều trị tích cực và ngắt quãng thì sẽ làm bệnh trở nên trầm trọng hơn. Hậu quả là cột sống có thể biến dạng, cong vẹo một bên, chiều cao cũng bị giảm, bệnh nhân đi lại không vững vàng, dễ bị ngã,… Hoạt động của cột sống cũng kém linh hoạt đi, các động tác văn mình, xoay mình ngày càng trở nên khó khăn, gây nên những cơn đau đớn.

Các biện pháp phòng ngừa lún xẹp đốt sống

Để phòng ngừa, hạn chế và phát hiện kịp thời tình trạng xẹp đốt sống, trước tiên bạn cần có một lối sống làn mạnh kết hợp ăn uống và luyện tập. Cụ thể là:

  • Đối với người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ mãn kinh: cần có chế độ sinh hoạt điều độ, chế độ tập luyện và dinh dưỡng khoa học. Bổ sung các vitamin và khoáng chất với các loại thực phẩm tốt, giàu chất dinh dưỡng.
  • Tăng cường các bài tập thể dục nhẹ nhàng, đúng tư thế, hạn chế sai tư thế khi thực hiện, tránh các tư thế xấu.
  • Đi khám sức khỏe định kì theo quy định để phát hiện lún xẹp đốt sống kịp thời và điều trị.
  • Tránh các hoạt động quá nặng, quá sức

Bổ sung canxi – hạn chế các vấn đề xương khớp

Một chế độ ăn uống khoa học luôn được các chuyên gia bác sĩ tư vấn và khuyên dặn. Tuy nhiên, với những người có nguy cơ thiếu canxi thì việc bổ sung thêm canxi trong khẩu phần ăn là rất cần thiết. Canxi là một trong những thành phần cấu tạo nên xương, thiếu canxi có thể khiến bạn gặp các vấn đề về xương khớp như loãng xương – yếu tố chủ yếu gây nên căn bệnh lún xẹp đốt sống. Do đó, cần phải bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng, đặc biệt canxi cho cơ thể.

Đối tượng cần bổ sung canxi là trẻ em, phụ nữ có thai và sau sinh, người lớn tuổi, người bị gãy xương và những người bị loãng xương. Tuy nhiên, việc bổ sung canxi cũng không đơn giản như các bạn nghĩ, bạn phải bổ sung đúng cách mới đạt kết quả mong muốn. Sau đây là một số lời khuyên cụ thể:

  • Tránh các chế phẩm làm từ vỏ hàu chưa tinh chế, san hô vì nó có thể chứa các kim loại độc, ảnh hưởng đến sức khở
  • Nếu bạn bổ sung canxi dưới dạng thực phẩm chức năng cũng không nên lạm dụng, sử dụng quá liều tránh gây tác dụng phụ
  • Hãy uống các loại sắt, kẽm, kháng sinh điều độ và cách thời gian uống canxi để tránh những tương tác tiêu cực.
  • Cung cấp các loại vitamin D để đảm bảo cơ thể hấp thụ đầy đủ lượng canxi cần thiết. Nếu không nhận đủ ánh sáng mặt trời thì hãy bổ sung vitamin D dựa vào chế độ ăn, từ các loại thực phẩm.

Các phương pháp chẩn đoán lún xẹp đốt sống

Có rất nhiều các phương pháp chuẩn đoán lún xẹp đốt sống, nhưng bạn đầu các bác sĩ thường dựa vào bệnh sử và những lần khám lâm sàng. Sau đó là kết quả chụp X quang, CT hoặc MRI. Những phương pháp này có thể xác định rõ nhất tình trạng bệnh án để đưa ra những phác đồ điều trị phù hợp nhất:

  •  X quang

Đây là ứng dụng bức xạ được sử dụng nhiều trong chẩn đoán các bệnh về xương khớp. Kết quả của chụp X quang là một phim, hình ảnh cho thấy cấu trúc, cấu tạo của xương cột sống, hình dạng của khớp. Thông qua những hình ảnh này, các chuyên gia bác sĩ có thể đưa ra phán đoán về các bệnh lý về xương, trong đó có lún xẹp đốt sống.

  • Chụp cắt lớp điện toán CT Scan

Đây là phương pháp chẩn đoán hình ảnh sử dụng tia X qua xử lý máy vi tính, có thể cho thấy rõ kích thước, hình dạng ống sống và cấu trúc xung quanh nó. Hoàn toàn có thể kết hợp với chụp tủy sống cản quang nhằm cung cấp rõ ràng và chi tiết hơn các thông tin giúp các chuyên gia xác định chính xác bệnh. Đây là kỹ thuật lý tưởng để thấy được hình ảnh của các chi tiết xương.

  • Chụp cộng hưởng từ MRI 

Với phương pháp này, bạn có thể thấy các hình ảnh trong không gian 3 chiều.  Phương pháp này sử dụng các từ trường mạnh cũng như các kĩ thuật máy tính, cung cấp hình ảnh về tủy sống và các vùng xung quanh, phát hiện tình trạng thái hoa và khối u.

  • Đo hấp thụ tia X (năng lượng) kép hoặc đo đậm độ xương

Tiêu chuẩn này sử dụng để đo mật độ khoáng của xương cũng như giúp xác định tình trạng loãng xương. Với kĩ thuật này không hề gây đau, sử dụng nguồn tia X khác nhau hướng vào xương dựa trên một tần số nhất định. DEXA scan phát hiện những thay đổi trong khối xương trong thời gian dưới 4 phút.

x quang thường quy xẹp đốt sống

Hình ảnh x quang thường quy xẹp đốt sống do loãng xương

cộng hưởng từ cắt dọc xẹp đốt sống có phù tủy xương

Hình ảnh cộng hưởng từ xẹp đốt sống L1 có phù tùy xương

Các biến chứng liên quan đến lún xẹp đốt sống

Bệnh lún xẹp đốt sống nếu không chữa trị kịp thời bằng phương pháp thích hợp có thể để lại những di chứng không mong muốn. Dưới đây là một số các biến chứng có liên quan đến căn bệnh này:

1. Mất vững từng đoạn cột sống

Khi lún xẹp hơn 50% thân đốt sống thì bệnh nhân có nguy cơ mất vững từng đoạn cột sống. Các đoạn cột sống được gắn kết với nhau tạo thành một khối nhất định nhằm chịu đựng được sức nặng, di chuyển và nâng đỡ toàn bộ cột sống. Do đó, khi một đoạn cột sống bị lún xẹp đồng nghĩa với việc khối đó không thể hoạt động bình thường. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động hàng ngày, gây đau khi di chuyển. Về lâu dài có thể gây nên thoái hóa nhanh hơn ở những vùng bị tổn thương.

2. Gù cột sống

Đây là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ lớn tuổi bởi phụ nữ sau sinh thường bị loãng xương, có nguy cơ bị lún xẹp đốt sống cao. Phần trước của đốt sống bị lún xẹp, tạo thành hình chêm bởi thiếu những khoảng đốt sống bình thường. Điều này tạo nên gù ở phụ nữ nhiều hơn thay vì nam giới. Nếu gù nhẹ thì không quá ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt nhưng nếu gù nặng thì gây nên những cơn đau dữ dội. Về lâu dài, gù có thể chèn ép các bộ phận nội tạng như tim, phổi, ruột,… hay nhẹ hơn là gây nên mệt mỏi, khó thở và chán ăn.

3. Các biến chứng thần kinh

Nếu vị trí gãy, lún xẹp chèn ép lên tủy sống và các dây thần kinh thì có thể làm tổn thương tủy sống. Khoảng cách giữa ống sống và tủy sống lúc này có thể bị thu hẹp bởi những mảnh vỡ ở thân sống bị đẩy vào trong ống sống. Hiện tượng hẹp ống sống này gây nên những chấn thương tủy sống hoặc bị thiếu máu và oxy đến tủy sống. Điều này có thể gây tê và đau tương ứng với các dây thần kinh bị tổn thương.

Những phương pháp chữa lún xẹp đốt sống

Đối với người bệnh đau nhiều do lún xẹp đốt sống sẽ được điều trị bằng nằm nghỉ, dùng thuốc, thủ thuật gây tê tại chỗ bơm xi măng sinh học hoặc phẫu thuật ít xâm lấn qua da. Tuy nhiên nếu các phương pháp điều trị này cho hiệu quả hạn chế thì người bệnh có thể được chỉ định điều trị bằng các thuốc giảm đau, thuốc kháng viêm. 

Điều trị lún xẹp đốt sốngĐiều trị lún xẹp đốt sống mới nhất

Trong trường hợp điều trị bảo tồn không hiệu quả, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh điều trị lún xẹp đốt sống bằng 2 phương pháp xâm lấn tối thiểu – hay còn gọi là tạo hình thân đốt sống bằng bơm xi măng không bóng và chỉnh gù bằng bơm xi măng có bóng.

Đối với phương pháp điều trị lún xẹp đốt sống bằng cách tạo hình đốt sống sẽ được thực hiện trong 1-2 giờ, tùy thuộc vào số đốt sống cần điều trị. Kĩ thuật được thực hiện bằng cách gây tê tại chỗ và thuốc an thần tiêm tĩnh mạch hoặc gây mê toàn thân. Với sự hỗ trợ của tia  X, một kim nhỏ chứa xi-măng xương acrylic sẽ được tiêm vào đốt sống bị xẹp. Xi-măng sẽ cứng lại trong khoảng vài phút, tạo độ vững chắc cho đốt sống bị lún xẹp.

Còn với phương pháp tạo hình chỉnh gù sẽ tiến hành thực hiện thêm một kỹ thuật trước khi tiêm xi-măng vào đốt sống. Đầu tiên, bác sĩ sẽ rạch 2 vết nhỏ và đặt một đầu dò vào khoang đốt sống bị gãy. Xương được khoan và một bong bóng được chèn vào mỗi bên. Tiếp đó hai bong bóng sẽ được bơm phồng với chất cản quang cho đến khi nó được giãn ra đến độ cao mong muốn và lấy ra. Sau đó, khoảng trống tạo bởi bong bóng sẽ được lấp đầy bằng xi-măng. Phương pháp này còn giúp người bệnh phục hồi chiều cao cột sống.

Ăn gì khi điều trị bệnh lún xẹp đốt sống?

Ngoài các phương pháp y học, bệnh nhân cần kết hợp chế độ dinh dưỡng hợp lý. Theo chia sẻ của các chuyên gia dinh dưỡng, có một số nhóm thực phẩm giúp cải thiện bệnh tình hiệu quả:

  • Trái cây tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, đặc biệt là các loại cam, bưởi, bơ, chanh,… rất tốt cho những người bệnh xương khớp.
  • Bông atiso rất tốt với những người đang phục hồi chức năng xương khớp. Trong Đông Y, đây được coi là vị thuốc giảm đau do thấp khớp, phòng ngừa lún xẹp đốt sống rất tốt.
  • Trứng – nguồn cung cấp dưỡng chất không thể thiếu đối với người bệnh xương khớp
  • Các loại rau có màu xanh đậm như súp lơ xanh, ớt chuông xanh, cải bó xôi,…
  • Sữa và các chế phẩm từ sữa cung cấp canxi cho hệ xương chắc khỏe
  • Cá biển giàu Omega-3
  • Xương ống: Nước hầm xương ống dùng để nấu canh hay nấu cháo cũng giúp cung cấp vitamin D, canxi cùng chất bôi trơn cho xương luôn chắc khỏe
  • Thực phẩm giàu Canxi và vitamin D

Hãy bổ sung vào trong khẩu phần ăn mỗi ngày của bạn những loại thực phẩm này để bạn có một hệ xương khỏe mạnh, ngăn ngừa và đẩy lùi nguy cơ mắc các bệnh về xương, trong đó có lún xẹp đốt sống.

Lún xẹp đốt sống cần được điều trị sớm tránh bệnh diễn tiến và gây ra những biến chứng về sau. Hi vọng những chia sẻ này sẽ mang đến cho bạn thêm những kiến thức để ngăn ngừa và điều trị kịp thời căn bệnh này. Để biết thêm thông tin về bệnh lún xẹp đốt sống, hãy liên hệ với Bác Sỹ Nguyễn Vũ – Chuyên khoa Cột Sống & Thần kinh – BV ĐH Y Hà Nội để được hỗ trợ, tư vấn tận tình nhất!

18 comments

  1. Chào bác sĩ. Tôi năm nay 47 tuổi. Tôi bị té ngồi , bác sĩ cho chụp x. Quang. Tôi bị gãy lún N12, chưa biến chứng thần kinh. Bác sĩ cho uống thuốc calci Carbonat và paracetamol. Xin bác sĩ cho biết bệnh có khỏi không. Và thời gian hồi phục ạ là bài lâu . Có ảnh hưởng bị liệt không ?Hien giờ bác sĩ bắt nằm một chỗ

    1. Chào quý vị. BS Vũ rất vui vì quý vị đã đặt câu hỏi. Vui lòng đăng ký nhận thông tin để được cập nhật kiến thức thường xuyên.
      Câu hỏi của bạn BS xin trả lời như sau:
      Cần chụp cộng hưởng từ cột sống thắt lưng xem mức độ tổn thương ntn và có phù tủy thân đốt sống hay không? Bệnh sẽ khỏi khi có chẩn đoán và điều trị đúng. Liệt hay không phụ thuộc tổn thương có mất vững và có chèn ép tủy không?
      Hãy cung cấp thêm thông tin cho Bs để được tư vấn cụ thể

  2. Kính thưa Bác sỹ!
    Tôi có đứa cháu năm nay 29 tuổi. Cháu thường xuyên bị đau xương khớp, đặc biệt là khớp háng.
    Năm 2018, cháu đi khám và được chẩn đoán là bị thoái hóa khớp háng, sau đó cháu đã thay 2 khớp háng.
    Sau khi thay 2 khớp háng, tình trạng không tiến triển, cháu vẫn bị đau mạnh.
    Hiện nay cháu đã dùng thuốc Fraizaron được 8 liều nhưng vẫn không đỡ.
    Đi lại rất khó khăn.
    Trước khi đau, chiều cao của cháu là 170cm, nhưng hiện nay chiều cao của cháu chỉ còn 162cm.
    Tôi rất lo lắng về bệnh tình của cháu.
    Tôi rất muốn biết cháu có phải bị bệnh lún xẹp cột sống không? Phương pháp điều trị như thế nào?
    Rất mong nhận được phản hồi từ Bác sỹ.
    Vô cùng cảm ơn!

    1. Chào quý vị. BS Vũ rất vui vì quý vị đã đặt câu hỏi. Vui lòng đăng ký nhận thông tin để được cập nhật kiến thức thường xuyên.
      Câu hỏi của bạn BS xin trả lời như sau:
      Để muốn biết có lún xẹp đốt sống không thì rất đơn giản đi chụp phim x quang là thấy ngay. Sau khi xác định bệnh đã thì mới nghĩ đến phương pháp điều trị là gì? Bản thân đã thay khớp háng thì bs mổ đã tư vấn cho gia đình. Hãy tham khảo ý kiến của bs đang điều trị cho người bệnh

  3. Chào bác sỹ! Tôi xin hỏi bác sỹ mẹ tôi (63 tuổi) bị xẹp đốt sống đã khám ở bệnh viện Việt Đức kết quả là xẹp và thoái hóa 50% đốt sống. Bác sỹ ở đó nói ko bơm xi măng sinh học được vì mẹ bị xẹp quá nhiều. Vậy xin hỏi bác sỹ trường hợp của mẹ tôi có giải pháp gì khác không ạ? Vì hiện tại mẹ tôi ko tự vận động được vẹo cột sống (gù) rất yếu, chán ăn mất ngủ và thiếu máu trầm trọng hiện tại mẹ tôi được chẩn đoán suy thận độ 3 và đang điều trị thận. Rất cảm ơn bác sỹ đã đọc, mong hồi đâp của bác sỹ.

    1. Chào quý vị. BS Vũ rất vui vì quý vị đã đặt câu hỏi. Vui lòng đăng ký nhận thông tin để được cập nhật kiến thức thường xuyên.
      Câu hỏi của bạn BS xin trả lời như sau: Bà 63 tuổi đã có loãng xương, nếu có thêm xẹp đốt sống thì cần xác định rõ xẹp là cấp tính hay đã là xẹp cũ để điều trị. Về cơ bản sẽ phải điều trị cả 2 bao gồm điều trị loãng xương ( uống thuốc trung bình 1-2 năm) và điều trị xẹp đốt sống. Nếu xẹp mới tức là chụp cộng hưởng từ có phù tủy xương, nếu ko có vỡ tường sau đốt sống thì có thể làm thủ thuật bơm xi măng , nếu vỡ tường sau chèn ép tủy hay gù biến dạng cấp thì phải mổ bắt vít. Nếu xẹp cũ, hoặc xẹp quá nặng gây biến dạng cột sống thì phải đai cứng và tập phục hồi chức năng và vật lý trị liệu
      Bệnh nhân thể trạng yếu và có suy thận và thiếu máu nặng thì cần điều trị các bệnh nội khoa, nâng cao thể trạng để ổn định sức khỏe đã. Bn cần nằm viện điều trị nhé
      Xin lỗi vì đã trả lời muộn và mong được hồi âm.

  4. Bác sĩ cho con hỏi ạ mẹ con 55 tuổi bị té và bị lún xẹp đốt sống lưng lần 1 nằm ở bệnh viện đựợc 5 ngày rồi cho về nhà nằm mẹ con nằm một tháng nay mà chưa thấy ngồi zay được đau nhức bên hông và đầu gối. Bác sĩ cho con hỏi bao lâu thì có thể ngồi zay được ạ và có dùng thuốc gì nữa k ạ. Hiện tại thì mẹ con đã hết thuốc ở bệnh viện kê rồi ạ. Con cảm ơn bác sĩ. Và nằm vậy thì có biến chứng gì k ạ

    1. Chào bạn
      Bạn nên cung cấp cụ thể chẩn đoán mẹ bạn bị tổn thương đốt sống nào? Đầu gối có tổn thương gì không? Tùy mức độ tổn thương mà Bs cho nằm bất động và đeo đai cố định. Tuy nhiên cũng cần phải làm rõ là lún xẹp đốt sống có phù tủy xương hay không ( chẩn đoán bằng phim chụp cộng hưởng từ) và có loãng xương cột sống hay không nữa?
      Vui lòng cung cấp thêm thông tin cho BS hoặc liên hệ qua Zalo số: 0868368369 để được tư vấn đầy đủ hơn

  5. bác sĩ cho tôi hỏi bà tôi( 80 tuổi) bị chuẩn đoán xẹp đốt sống thắt lưng thì nếu muốn tiến hành điều trị bằng phương pháp gì thì tối ưu và ít nguy hiểm. Bác sĩ có thể tư vấn giúp tôi về cả chi phí điều trị dự tính được không ạ. Mong sớm nhận được câu trả lời của bác sĩ. Cảm ơn bác sĩ ạ

    1. Chào quý vị. BS Vũ rất vui vì quý vị đã đặt câu hỏi. Vui lòng đăng ký nhận thông tin để được cập nhật kiến thức thường xuyên.
      Câu hỏi của bạn BS xin trả lời như sau: Bà 80 tuổi chắc chắn đã có loãng xương, nếu có thêm xẹp đốt sống thì cần xác định rõ xẹp là cấp tính hay đã là xẹp cũ để điều trị. Về cơ bản sẽ phải điều trị cả 2 bao gồm điều trị loãng xương ( uống thuốc trung bình 1-2 năm) và điều trị xẹp đốt sống. Nếu xẹp mới tức là chụp cộng hưởng từ có phù tủy xương, nếu ko có vỡ tường sau đốt sống thì có thể làm thủ thuật bơm xi măng ( chi phí 17-60tr tùy loại), nếu vỡ tường sau chèn ép tủy thì phải mổ bắt vít (60->100tr). Nếu xẹp cũ, hoặc xẹp quá nặng gây biến dạng cột sống thì phải đai cứng và tập phục hồi chức năng và vật lý trị liệu
      Xin lỗi vì đã trả lời muộn và mong được hồi âm.

  6. E bị xẹp đốt sống d12 bệnh viện kê thuốc cho e điều trị ở nhà được 17 ngày , e vẫn ngồi đứng đi lại bình thường , còn vị trí bị xẹp vẫn đau và không cúi người xuống được. Bác Sĩ cho e hỏi nếu e không bơm xi măng Sinh học, không phẫu thuật mà điều trị bằng cách uống thuốc và tập luyện vậy vị trí xẹp đốt sống có phồng lại được không?

    1. Chào bạn, TS Vũ rất vui vì bạn tin tưởng tham khảo bài viết và đặt câu hỏi
      Không biết bạn bao nhiêu tuổi, xẹp đốt sống của bạn là do nguyên nhân gì?
      Nhưng với câu hỏi của bạn có thể trả lời trực tiếp vào thắc mắc mà bạn đang hỏi: không thể làm phồng đốt sống bị xẹp bằng uống thuốc và tập luyện bạn nhé. Tuy nhiên thực tế là các bs mục đích điều trị không phải làm phồng đốt sống xẹp mà là không gây biến dạng cột sống thêm, không đau ảnh hưởng đến chấn lượng sống và các biến chứng do xẹp. Nếu cần tư vấn thêm thì bạn cung cấp thêm thông tin cho bs nhé

  7. Tôi 64 tuổi cho được hỏi, tôi bị té xe xẹp đốt sống cấp cứu nằm viện 9 ngày BS cho về nằm 6 tuần kể từ ngày té (3ngày nữa là 6 tuần) đây là nhận định trên giấy ra viện “M48.5-xẹp đốt sống, chưa được xếp loại ở mục khác M51.2-thoát vị địa đệm đốt sống đặc hiệu khác; G47-rối loạn giấc ngủ” Mấy hôm nay ngồi dậy có người đỡ khoảng 10-15’ khó chịu phải nằm.
    Hiện vẫn đau nhẹ khi vận động.
    Xin hỏi BS phương pháp giúp điều trị và có đi lại được không? Trân trọng cám ơn

    1. Chào bác. Chào mừng bác liên hệ với Ts Nguyễn Vũ
      Với bệnh lý xẹp đốt sống do chấn thương ở người cao tuổi có loãng xương thì câu hỏi cần trả lời là:
      1.Mức độ loãng xương: cần đo mật độ xương để trả lời
      2.Có vỡ đốt sống và có phù tủy xương thân đốt sống tổn thương không: việc này cần chụp cộng hưởng tử có hoặc không phối hợp với chụp Cắt lớp vi tính để đánh giá
      Sau khi có kết quả sẽ quyết định việc điều trị: nếu xẹp đốt sống do loãng xương có phù tủy xương thì điều trị bằng thuốc và bất động là rất khó khăn và ít thành công mà phải chọn can thiệp bơm xi măng hoặc cố định cột sống với xẹp nặng hay vỡ thân đốt sống mất vững. Nếu xẹp đốt sống là cũ và chỉ tổn thương phần mềm thì mới hạn chế vận động, dùng thuốc… Đề nghị bác cung cấp thêm thông tin như bác sĩ trao đổi để bs có thể tư vấn tiếp cho bác.

  8. Bác sĩ cho e hỏi chị gái e bị ngã chùn xương sống chồng lên nhau, do dịch bệnh phức tạp nên không đi Hà Nội được ngay. Bệnh viện tỉnh tuyến tỉnh chụp xquang chuẩn đoán r cho đeo đai về nhà nằm theo dõi. Trong thời gian này cho c gái e uống bổ xung canxi có được không ạ?

    1. Bạn nên cung cấp cho bs thêm thông tin là chị bạn bao nhiêu tuổi? Xẹp mấy đốt sống và là đốt số bao nhiêu? Có đo loãng xương cho bệnh nhân không? Bạn có thể liên hệ Hotline: 0868368369 để được tư vấn nhanh hơn nhé

  9. Bác sĩ cho em hỏi là em bị ngã từ trên gác xuống đất và e đi khám bs chuẩn đoán e là bị lún xẹp đốt sống thắt lưng L1 nhẹ. Và nghỉ ngơi 3, tháng sau đi khám lại nhưng do dịch bệnh nên e không thể đi khám được. Bác sĩ cho em hỏi là e bị như vậy có phải mổ hay bơm xi măng ko ạ. Và e có thể ngồi dậy và đi lại cả ngày được không ạ. có ảnh hưởng ko ạ. Bác sĩ cho em cách điều trị với ạ.

    1. Chào quý vị. BS Vũ rất vui vì quý vị đã đặt câu hỏi. Vui lòng đăng ký nhận thông tin để được cập nhật kiến thức thường xuyên.
      Câu hỏi của bạn BS xin trả lời như sau:
      Trước hết bs cần biết tuổi của bạn hoặc bạn đã có đo mật độ xương không? để đánh giá bạn có loãng xương hay không? Xẹp đốt sống ở người loãng xương sẽ khác với xẹp đốt sống ở người trẻ. 3 tháng điều trị nội thì phải đi khám lại và chụp phim kiểm tra để đánh giá mới có thể điều trị tiếp theo được
      Còn về chỉ định bơm xi măng: phải chụp cộng hưởng từ xác định có phù tủy xương thân đốt sống không? và vị trí phù tủy xương tương ứng với vị trí đau trên người mới có chỉ định bơm xi măng.
      Không thể đi lại hay ngồi cả ngày, người bình thường khỏe mạnh cũng ko được phép giữ tư thế cố định quá 1 tiếng mà phải sau 45-60 phút phải thay đổi tư thế và tập các động tác giãn cơ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *