GIA ĐÌNH MỚI: Bác sĩ Nguyễn Vũ: 20 năm để ngộ ra chữ ‘bình thường’

Nguồn: https://www.giadinhmoi.vn/bac-si-nguyen-vu-20-nam-de-ngo-ra-chu-binh-thuong-d9805.html

Ca mổ cuối cùng của ngày thứ 6 kết thúc, bác sĩ Nguyễn Vũ – Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội rời bệnh viện khi đã sang ngày mới.

Vài tiếng sau, anh cùng đoàn y bác sĩ tình nguyện di chuyển tới huyện Mỹ Đức, Hà Nội với tinh thần: “Tiếp tục hành trình. Mọi thứ đã sẵn sàng”.

Đây là chuyến đi nằm trong khuôn khổ chương trình khám, tư vấn chăm sóc sức khoẻ và phát thuốc miễn phí cho đồng bào vùng dân tộc miền núi của thành phố Hà Nội năm 2018. Và là một trong rất nhiều chuyến đi khám, chữa bệnh tình nguyện của bác sĩ Nguyễn Vũ và cộng sự.

bac-si-18-nam-lam-tinh-nguyen-giadinhmoi-titphu1

Hầu hết các cuối tuần, bác sĩ Vũ đều không có mặt ở Hà Nội. Anh tới những nơi cần mình. Với anh, không có bức tranh y tế nào hiện lên rõ hơn sau mỗi chuyến đi. Đó là điều vô giá mà những chuyến tình nguyện mang lại cho anh.

Gần 20 năm làm tình nguyện, rong ruổi các vùng đất, hình ảnh người dân thiếu nước sạch, khung cảnh tan hoang, đoạn đường sạt lở sau mỗi trận lũ dữ cứ trở đi trở lại trong suy nghĩ của người bác sĩ đã đi làm tình nguyện gần 20 năm nay.

Bác sĩ Vũ suy nghĩ: “Để ổn định đời sống của người dân thì không thể chỉ mang mì tôm đến cho bà con được. Họ không có nước sạch để dùng, không có xoong để nấu, không có bếp để đun. Họ không thể ăn mì tôm sống và lúc đó, khám chữa bệnh chỉ là thứ yếu”.

Còn nhớ dịp Tết 2018, chuyến xe khám, chữa bệnh tình nguyện đưa bác sĩ Vũ và cộng sự dừng chân tại huyện Yên Minh, Hà Giang. Trên cung đường khúc khuỷu, anh bắt gặp hình ảnh cháu bé khoảng 3 tuổi mặc mỗi cái áo mỏng, chạy ngoài đường trong thời tiết âm 1 độ C; số phận của 3 anh em mồ côi cha mẹ, phải đi bộ 12 cây số từ nơi ở là cái lều dựng tạm ở bìa rừng tới nơi khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí; ở một số trường học, là cảnh các em học sinh phải đi hứng nước ở các khe đá về để dùng vì thiếu nước sạch…

Mỗi mảnh đời trẻ thơ đều mang lại cho bác sĩ Vũ điều gì đó rất lạ, cứ đong đầy trong lòng anh. Anh thấy thương lũ nhỏ vô cùng.

Anh thầm mong mình làm được điều gì đó cho những em bé ở vùng núi này, có thể là kiên cố hoá lớp học để thầy trò không bị cảnh gió lùa vào từng ngóc ngách phòng học, các em nhỏ vẫn ngồi học, thầy vẫn bám bảng; xây dựng chương trình “Tết ấm bản em” kết hợp trong các chuyến đi khám chữa bệnh tình nguyện…

Những hình ảnh đó được anh cất giữ cẩn thận vào một góc trong trái tim mình, tìm cách truyền cảm hứng, khơi dậy lòng nhân ái trong cộng đồng, chung tay giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn, những nơi còn khó khăn.

Nhìn lại, bác sĩ Vũ thầm cảm ơn những năm tháng tuổi trẻ rong ruổi trên những cung đường đã cho anh tinh thần không ngừng học hỏi và chiêm nghiệm về cuộc sống mà không dễ gì có được.

Trên những chuyến xe khám, chữa bệnh tình nguyện, bao nhiêu căng thẳng, mệt nhọc, bác sĩ Vũ đều “ném” hết qua khung cửa ô tô.

Thứ duy nhất anh mang theo và giữ gìn là nụ cười hạnh phúc của một người bác sĩ ham làm tình nguyện. Và nỗi trăn trở “Đến khám hôm nay rồi ngày mai mình đi, người dân sẽ thế nào?” luôn đau đáu trong suy nghĩ của anh.

Bác sĩ Vũ kể, có một thực tế là nhiều người mắc cao huyết áp nhưng không bao giờ đi khám. Đến khi được khám, cấp thuốc điều trị miễn phí, họ cũng không duy trì được lâu do không có điều kiện tái khám. Khi dùng hết thuốc, huyết áp lại lên cao, nguy cơ tai biến cao hơn.

Vì vậy, bác sĩ Vũ và các đồng nghiệp luôn mong muốn thực hiện các chương trình thiện nguyện theo hướng “3 tại chỗ”: trực tiếp khám chữa bệnh, giúp đỡ y tế cơ sở và thay đổi hành vi nhằm cùng xây dựng 1 nền y học dự phòng giúp nâng cao sức khỏe người dân.

Ngoài ra, 3 mô hình: “Khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người dân”, “Vì một dân tộc khỏe mạnh và phát triển” và “Thay đổi hành vi” có kết cấu rất chặt chẽ, bổ trợ cho nhau.

Trong quá trình khám chữa bệnh, cấp phát thuốc tạm thời, các chuyên gia y tế sẽ có dữ liệu để xây dựng mô hình bệnh tật, triển khai các đề tài liên quan đến điều trị, y tế dự phòng tại tuyến cơ sở và từ đó phối hợp với cơ sở để thay đổi hành vi của người dân.

bac-si-18-nam-lam-tinh-nguyen-giadinhmoi-titphu2

18 năm trước, 10 ngày trước sinh nhật tròn 20 tuổi, chàng sinh viên năm 2 của Đại học Y Hà Nội bắt đầu bén duyên với công tác tình nguyện.

Từ một người mới, trở thành gương mặt quen thuộc trong những chuyến đi đến vai trò là người thủ lĩnh khởi xướng, điều hành, cảm xúc của bác sĩ Vũ vẫn vẹn nguyên. Vẫn là sự hồ hởi, phấn khởi xen lẫn tò mò với mỗi vùng đất mới. Chỉ khác là anh lo lắng nhiều hơn.

Giao thông thuận lợi, chiếc xe vun vút đi qua từng đoạn đường cao tốc thẳng băng, chùng chình vượt qua mỗi khúc cua rồi nhẹ nhàng tới đích an toàn là những điều bác sĩ Vũ mong muốn. Tuy nhiên, không phải chuyến đi nào cũng êm đềm như vậy, có cả điều bất trắc xảy đến trên đường đi.

Ví dụ như chuyến đi Hoàng Su Phì, Hà Giang, đoàn phải trải qua khoảng 1200 khúc cua, hầu hết các thành viên đều bị “hạ gục”, đến mức khi về Hà Nội, cả đoàn trêu nhau đi chuyến này được “ăn” đặc sản là “cua”.

Hay trong chuyến khám, chữa bệnh miễn phí tại Lào Cai gần đây, chiếc xe chở gần 30 con người bị mất côn. Nhưng may mắn, bác tài đã bình tĩnh xử lý bằng cách để xe đi sát  vách núi rồi từ từ xuống dốc.

Trước bất cứ một chuyến đi khám, chữa bệnh tình nguyện nào, bác sĩ Vũ có thói quen tìm hiểu tình hình đời sống y tế nơi đến để vạch ra những điều thiết thực mà đoàn có thể giúp đỡ cơ sở. “Của cho không bằng cách cho. Mình cho như thế nào chứ không phải cho tất cả những gì mình có”, anh tâm sự.

Bác sĩ Vũ tìm hiểu tất cả những thông tin liên quan về cung đường đoàn đi qua để nếu có xảy ra điều gì thì có thể kịp thời xử lý.

Anh xem thời tiết và nhắc nhở các thành thành viên tham gia đều phải mang theo vật dụng cá nhân cần thiết để đảm bảo sức khoẻ cho mình. Bởi với anh, khi y bác sĩ tự chăm sóc được sức khoẻ cho bản thân thì mới có thể chăm sóc sức khoẻ, khám, chữa bệnh cho người khác.

Trên chuyến xe chất đầy thuốc men, máy siêu âm, các vật dụng khám, chữa bệnh cần thiết còn có tinh thần của những người trẻ tràn đầy nhiệt huyết, niềm đau đáu của những người tổ chức.

Trong 2 năm (2016-2017), bác sĩ Vũ cùng với Đoàn trường Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Thành đoàn – Hội Liên hiệp thanh niên TP Hà Nội… đã tổ chức và tham gia gần 20 chương trình khám tình nguyện tại tỉnh Lai Châu, Tuyên Quang, Hà Giang, Sơn La, Yên Bái, Lào Cai, Ninh Bình, Nam Định, Bắc Giang, vùng ngoại ô Hà Nội…

Dù là chuyến đi cách điểm xuất phát vài chục cây số hay những nơi cách thủ đô Hà Nội cả nửa ngày di chuyển bằng ô tô, bác sĩ Vũ cũng đều mang tinh thần giúp được càng nhiều càng tốt.

Những ngày nóng bức oi ả, những khi lạnh cắt da cắt thịt, ngồi trên chuyến xe khám, chữa bệnh miễn phí, bác sĩ Vũ tràn ngập hứng khởi, “Không có gì hạnh phúc hơn là được chia sẻ niềm cảm hứng với những người có cùng đam mê tình nguyện với mình”.

bac-si-18-nam-lam-tinh-nguyen-giadinhmoi-titphu3

Khi còn là cậu trai 5 tuổi, nhìn thấy hình ảnh người bố bị đau dạ dày, bác sĩ Vũ đã nuôi dưỡng ước mơ trở thành bác sĩ với mục tiêu chữa được bệnh cho bố. 13 năm sau lời quyết tâm học thật giỏi, anh bước chân vào ngôi trường Đại học Y Hà Nội danh giá.

Vào trường Đại học Y Hà Nội đúng thời điểm Hiệu trưởng là GS Tôn Thất Bách đặt ra chính sách đưa sinh viên vào bệnh viện làm công việc của điều dưỡng. Anh là một trong số hơn chục sinh viên Y2 được phân công trực làm công việc điều dưỡng tại Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Việt Đức.

Công việc của một người điều dưỡng cho phép anh gần gũi với người bệnh, chứng kiến sự đau xót của người nhà, sự mong manh giữa sự sống và cái chết. Bác sĩ Vũ đồng cảm và thương người bệnh cũng như người nhà của họ.

Cứ như vậy, mong muốn trở thành một bác sĩ về thần kinh mỗi ngày một lớn dần trong chàng sinh viên y khoa. Càng đi sâu nghiên cứu và chữa bệnh, bác sĩ Vũ càng cảm thấy có một sức hút lạ kỳ từ chuyên ngành này.

“Tôi may mắn tìm ra được tình yêu duy nhất của mình và hạnh phúc vì được làm bác sĩ phẫu thuật thần kinh”, bác sĩ Vũ hào hứng.

bac-si-18-nam-lam-tinh-nguyen-giadinhmoi-9

Những tháng ngày đầu tiên đi theo chuyên ngành, bác sĩ Vũ phải học cách tiếp xúc cũng như cách để thăm khám được bệnh nhân và tìm ra triệu chứng ở những bệnh nhân hôn mê, rối loạn nhận thức, rối loạn tâm thần…

Nhớ lại những ngày mới bước chân vào phòng mổ thần kinh, bác sĩ Vũ mang theo tâm thế tò mò không biết não nằm trong hộp sọ trông như thế nào, tưởng tượng đường đi và kích thước ốc vít khi phẫu thuật cột sống ra sao.

Bác sĩ Vũ ấn tượng với những đặc trưng riêng của chuyên ngành phẫu thuật thần kinh. Phòng mổ rất hiện đại với các trang thiết bị như kính vi phẫu thuật, hệ thống định vị thần kinh, hệ thống dao điện, hệ thống máy hút siêu âm, máy kích thích dây thần kinh… Tất cả đều là những điều mới mẻ với cậu sinh viên năm 2.

Bác sĩ Vũ đã phải học từ cách sử dụng từng dụng cụ và cách bảo quản chúng. Có những ca mổ về thần kinh sọ não kéo dài cả nửa ngày, các bóng đèn trần nhà được tắt đi, chỉ còn ánh sáng từ kính vi phẫu và ánh sáng ở bàn dụng cụ mổ, anh khéo léo và kiên nhẫn thực hiện.

Bác sĩ Vũ cẩn trọng trong từng đường rạch, đặc biệt với những ca phẫu thuật từ sáng tới tối. Bởi nếu chỉ cần một sơ sẩy nhỏ thì người bệnh có thể phải đánh đổi cả cuộc đời sau này.

“Phải có một trái tim nóng và một cái đầu lạnh thì mới có thể cầm dao được”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Không có gì sinh ra trên đời là hoàn hảo. Ở bệnh viện, ai cũng chỉ mong hai chữ “bình thường” và chưa bao giờ khái niệm “bình thường” lại giá trị như nơi đây.

Bác sĩ Vũ tâm sự, hạnh phúc của bác sĩ rất đơn giản, là nhìn người bệnh của mình hồi phục. Không có món quà nào giá trị bằng lời cảm ơn và cái bắt tay của người bệnh và gia đình bệnh nhân.

Sự hài lòng của người bệnh và thành công của ca bệnh chính là động lực của một người bác sĩ. Đó là giá trị không thể đong đếm được.

Mỗi khi mệt mỏi, căng thẳng, bác sĩ Vũ cần lắm giây phút bệnh nhân hồi tỉnh, từ người không đi lại được thì có thể đi lại, bệnh nhân chết não hồi phục… Với anh, chỉ vậy thôi cũng đủ động lực để tiếp tục con đường anh chọn đi.

“Không có sự động viên người bệnh nào quý hơn nụ cười từ cái tâm của bác sĩ. Nếu người bệnh chia sẻ và cảm nhận được sự ấm áp từ những người chăm sóc sức khoẻ cho mình thì họ sẽ thấy tin tưởng và an tâm hơn.

Tôi chẳng có bí quyết gì ngoài sự chân thành, làm những điều xuất phát từ trái tim thì sẽ tới trái tim”, bác sĩ Vũ thổ lộ.

Bác sĩ Nguyễn Vũ:

– Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh cột sống và chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

– Giảng viên Bộ môn Ngoại, Đại học Y Hà Nội.

– Tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội năm 2004.

– Từ năm 2005 – 2007, bác sĩ Vũ học bác sĩ nội trú tại Khoa Phẫu thuật Thần Kinh, Bệnh viện Việt Đức.

– Năm 2008, bác sĩ Vũ bắt đầu làm việc tại Khoa Phẫu thuật Thần Kinh, Bệnh viện Việt Đức.

– Năm 2013, bác sĩ Vũ chuyển công tác về Khoa Thần kinh cột sống và Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

– Là bác sĩ được vinh danh trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2017.

– Là 1 trong 10 thầy thuốc trẻ Thủ đô xuất sắc tiêu biểu nhận giải thưởng Đặng Thùy Trâm năm 2018 về các hoạt động tình nguyện.

Bình Luận Facebook

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *